NẾU CÓ THỂ TÔI SẼ TRAO CHO MỖI ĐỘI MỘT CÁI CÚP VÔ ĐỊCH

Cả tuần nay câu chuyện bóng đá cứ làm tôi luôn trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng và có nhiều suy nghĩ, bóng đá đúng là môn thể thao vua đúng theo nghĩa đen của nó, trót lỡ đam mê giống như yêu ....một ai đó vậy. Có lúc thấy hào hứng, sung sướng, hạnh phúc vì nó mà cũng có lúc thấy thất vọng, chán nản, hụt hẩng, thậm chí mất ăn mất ngủ vì nó. Thật khó có một môn thể thao nào dù chỉ là mang tính chất rèn luyện sức khỏe nhưng lại mang đến cho cả người chơi và người xem nhiều hỷ nộ ái ố như vậy.


Không biết từ lúc nào cái máu mê “bóng đá” nó ăn sâu vào con người tôi, nhớ năm xưa lúc còn nhỏ xíu được ba dẫn vào sân Tao Đàn để xem bóng đá, nhìn thấy các cầu thủ hạng A2 TPHCM thi đấu trên mặt sân đầy... cát thôi mà đã thích thú ghê gớm, hết trận đấu phải ra coi mặt cho bằng được số 10 đội Chăn Nuôi, TM số 1 đội Fafilm,..và còn chạy vào trong sân đứng giữa cái khung thành để có cảm giác như người thi đấu, ôi thôi sao nó mênh mông quá với một đứa bé mới 10 tuổi mà các cầu thủ trong sân lại có thể chạy nhảy suốt 90 phút chỉ để giành một quả bóng rồi sút vào, không vào, tranh cãi, thậm chí đánh nhau vậy nhỉ?


Rồi những năm thập kỷ 90 khi bóng đá còn trong thời bao cấp, các cầu thủ không có lương cao và phí lót tay tiền tỷ như bây giờ nhưng khán đài thì luôn luôn chật kín người xem dù cho trận đấu lúc đó diễn ra lúc 15g, cái giờ nóng như thiêu như đốt giữa mùa hè. Hầu hết người hâm mộ bóng đá Sài Gòn lúc ấy đều có cảm tình với cái tên cũng gắn liền với tên gọi của thành phố khi ấy, Cảng Sài Gòn. Dù trời nắng hay trời mưa, mỗi khi Võ Hoàng Bửu, Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Nguyễn Hồng Phẩm,...bước ra sân Thống Nhất là hầu như ngày hôm ấy cha con tôi phải đi từ lúc 13g mặc dù trận đấu diễn ra lúc 15g vì đến trễ sẽ không thể chen chân vào khán đài mặc dù cầm vé trên tay. Hồi ấy thật ra có rất nhiều đội hay chứ không riêng gì CSG nhưng với lối đá bật tường nhanh, chuyền banh ngắn và di chuyển cự ly gần cực kỳ hợp lý cộng với phong cách thi đấu hòa nhã, luôn tôn trọng đối thủ và trọng tài đã làm nên thương hiệu Cảng Sài Gòn. Khán giả thành phố hâm mộ CSG đến mức phản đối, chửi mắng, thậm chí là ném đá bể kiếng xe đội bóng nào dùng lối chơi rắn, va chạm quyết liệt, đôi khi tiểu xảo quá mức để phá lối chơi của CSG vì họ biết thi đấu sòng phẳng khó lòng mà cản được bước tiến của các chàng trai HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. Ấn tượng nhất đối với tôi cho lối chơi này là các đội Sông Lam Nghệ Tĩnh hầu như cầu thủ nào cũng nhăm nhăm đá rát đá đau đối phương, Đường Sắt Việt Nam nổi tiếng với tên gọi “Chém đinh chặt sắt”, và Công An Hà Nội với cặp “quái kiệt” Đỗ Thành Tôn và Lã Xuân Thắng nổi tiếng về các chiêu trò đá xâu người khác mà nằm sân lại lâu nhất.


Xem những đội này thi đấu với CSG luôn có cái “sướng” rất khác của nó, khi CSG thắng thì thấy hả hê, khoái chí, thậm chí về đến nhà còn tự cười một mình mãn nguyện, khi CSG thua thì thấy ấm ức, bực bội, tức tối, về đến nhà không thể nào nuốt trôi chén cơm vì giận lối đá phản bóng đá, giận trọng tài, giận BTC sao cho họ đá như vậy, giận luôn cả người hâm mộ các đội bóng đó: bộ không biết xem bóng đá hay sao mà đi cổ vũ những đội như vậy, đá láo để thắng mà cũng nghênh ngang? Nhưng đến cuối giải thì những đội đó không thể bước lên ngôi cao nhất vì có những đội còn “quái” hơn họ như QNĐN, Thể Công và Hải Quan. À, hóa ra bóng đá là thế, muôn hình muôn vẻ giống như bao thứ khác trong xã hội vậy, tóm lại là đội bóng cũng giống như con người ta vậy phải biết thích ứng với điều kiện cuộc sống thay đổi thì đội bóng cũng phải thay đổi lối chơi và chiến thuật cho từng đối thủ miễn sao giữ được bản sắc của riêng mình, Cảng Sài Gòn và Thể Công là hai đội bóng giữ mãi được truyền thống cho dù thay đổi bao nhiêu thế hệ cầu thủ cho nên đó là những cái tên mà người hâm mộ tiếc nhất khi họ giải thể. Nói thêm về sự thích ứng với cuộc sống, khi đến Singapore làm việc gì cũng phải xếp hàng vì ai không xếp hàng thấy rất... kỳ với bao ánh mắt nhìn mình như ...người ngoài hành tinh, còn khi lên xe buýt ở Việt Nam mà đứng xếp hàng thì chắc phải đón...taxi mà đi. Nhiều khi hoàn cảnh nó buộc con người phải thế, không ai bảo ai. Tại sao Hải Quan, QNĐN chơi cũng rất đẹp, rất fairplay lại có thể vượt qua được những trận cầu...toan tính của các đội CAHN, SLNT, ĐSVN, trong khi CSG lại không? Rất có thể CSG đã tin yêu một cách ...mù quáng vào lối chơi đẹp của họ có thể chiến thắng mọi đối thủ nhưng thực tế thì lại luôn dừng bước...trước ngưỡng thiên đường.


Rồi những năm chập chững đi tập bóng đá càng làm cho tôi thêm...nghiền bóng đá, bắt đầu xỏ giày đi thi đấu để có cảm giác là ...cầu thủ. Chưa hết vui với chuyện được tham gia một số giải đấu có tổ chức bài bản của liên đoàn hẳn hoi lại thấy buồn bực và muốn...bỏ bóng đá, số là trong trận Chung Kết U21 TPHCM năm 1998 giữa hai đội Vạn Chinh và Nguyễn Du, trong đó thành phần của Vạn Chinh hầu hết là lứa cầu thủ năng khiếu khóa 8 ăn ở tập trung theo chương trình 5 năm của TpHCM (sau lứa Đỗ Khải, Nguyên Chương) nên ít nhiều được các bác, các chú của Liên đoàn biết mặt, còn Nguyễn Du chỉ là thành phần gom góp ăn tập bán chuyên nòng cốt là năng khiếu Q1 và vài quận khác. So tài trên sân về trình độ thì hai đội chỉ chênh lệch nhau về mặt thể lực khi Vạn Chinh tỏ ra vượt trội trong các pha tranh chấp tay đôi vì họ được rèn luyện căn cơ bài bản, họ vào bóng rất quyết liệt nên dù đã thủ thế nhưng các cầu thủ của Nguyễn Du vẫn bị đau, chịu không nổi lối chơi lấy va chạm làm chủ lực của đối phương nên Nguyễn Du dần bị mất thế trận do tranh chấp không lại. Tức tối vì đối phương chủ yếu muốn tranh chấp tay đội trong từng đường bóng chứ không có ý đồ triển khai tấn công rõ rệt, chúng tôi liên tục phản đối trọng tài và làm cho trận đấu liên tục ngắt quãng, cộng với tâm lý trọng tài và BTC đã biết hết đội bạn nên nương tay nên chúng tôi càng bị cuốn vào...câu chuyện trọng tài và BTC mà cũng quên mất là mình phải... chơi bóng như thế nào để có sách lược đối phó cụ thể nên đành chấp nhận thua sít sao 0-1. Sau trận đấu thì cả BHL và cầu thủ chúng tôi đều cho rằng BTC và trọng tài làm hỏng trận đấu, nếu biết thế chúng tôi không tham gia giải (mà tới sau này cả đám chúng tôi nghĩ lại cũng thấy...kỳ kỳ vì đã chấp nhận tham gia và biết có đội bóng đó ngay từ đầu), mà trọng tài khi ấy là một trong những trọng tài hàng đầu của TpHCM (hiện giờ đang là UCV của chức vụ Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia), ông Dương Văn Hiền. Về sau khi đã dần thi đấu quen trong các giải TpHCM có dịp gặp lại anh Hiền và hỏi về trận đấu năm xưa, anh Hiền phán một câu đáng để suy ngẫm “Nói Vạn Chinh chỉ lo đá người cũng đúng, chuyện đó hãy để trọng tài xử lý, nhưng Nguyễn Du có lo đá bóng đâu, pha nào cũng phản đối trọng tài ngay cho dù trọng tài đã phạt bên kia rồi. Nên tập trung vào đá bóng, nhiệm vụ của các em là đá bóng chứ đâu phải là Giám sát hay là trọng tài mà pha nào cũng cãi tay đôi với trọng tài chi vậy???”


HLV nổi tiếng Jose Mourinho từng lên tiếng chửi “xéo” trọng tài người Na Uy Tom Henning Ovrebo là kẻ cướp “vĩ đại”, người có rất nhiều quyết định “khó hiểu” trong trận bán kết Champion League 2009 giữa Chelsea và Barcelona gây bất lợi hoàn toàn cho Chelsea. Sau đó ông trọng tài này bị kỷ luật và chịu không nổi áp lực dư luận phải nghỉ việc, đến ba năm sau trận đấu đó ông còn bị hăm dọa “lấy máu” từ các CĐV Chelsea vốn thần tượng Jose Mourinho và xem những lời ông này nói như “thánh phán”. Đến giờ phút này cả Ủy quan kỷ luật của FIFA vẫn chưa tìm ra một chứng cứ nào để chứng minh ông này “nhúng chàm” và ngay cả các trọng tài sừng xỏ, HLV tên tuổi trong giới chuyên môn bóng đá cũng không dám khẳng định ông này “có vấn đề” trong trận đấu đó. Vậy thì tại sao? Một lý giải hết sức đơn giản mà bây giờ hầu hết mọi người đếu chấp nhận là trọng tài cũng chỉ là một con người, tuy nhiên người này có vai trò hết sức quan trọng trong trận đấu nên sẽ bị “soi” rất kỹ, chỉ cần hôm đấy tâm tư tình cảm riêng tư không ổn hay sức khỏe chưa tốt thì chắc chắn ảnh hưởng đến phong độ của họ, vấn đề là một cầu thủ xuống phong độ thì không nghiêm trọng lắm còn trọng tài thì ảnh hưởng lớn đến trận đấu, nhưng làm sao để kiểm tra phong độ của trọng tài trước khi trận đầu bắt đầu? FIFA cũng bó tay vấn đề này trừ khi có những biểu hiện rất rõ rệt nhận thấy bằng mắt thường như buồn bã, say xỉn, it nói, không tập trung.


Gần như trọng tài là vấn đề muôn thưở trong bóng đá và bóng đá cần trọng tài nên ngay cho dù các giải thế giới, châu lục, chuyên nghiệp trong nước và phong trào trong nước, tháng nào cũng có “chuyện”, năm nào cũng có “kịch” về trọng tài mà chuyện trọng tài vẫn cứ diễn ra dù các BTC đã thay đổi cơ cấu trọng tài, thực hiện nhiều biện pháp khắt khe để kiểm tra trình độ trọng tài trước giải đấu,....nhưng vẫn ...vậy, kiểu gì một giải cũng có ít nhất vài trận vấn đề trọng tài được đẩy lên hàng đầu, nhiều khi còn “hot” hơn cả tên tuổi của các nhà Vô địch.


Có bao nhiêu người được như vị trọng tài nổi tiếng người Italia, ông Pierluigi Collina, tuy nhiên ông này vẫn thừa nhận sau trận đấu giữa Ukraina – Anh ở Euro 2012 “Đây chỉ là phút sai lầm của một con người. Là trọng tài điều khiển suốt 90 phút trận đấu khá gay cấn, ông Kassai có lẽ đã phải chịu rất nhiều áp lực”.


Thiết nghĩ trọng tài cần được các đội tôn trọng, thông cảm và chia sẽ hơn với đặc thù nghề nghiệp của họ, nếu thật sự làm căng ra với quá nhiều áp lực từ cả hai đội và BTC thì với mức lương chưa thật sự gọi là “hấp dẫn” của nghề, nhiều trọng tài sẽ chán dần và ngay cả những người mới mon men “vào nghề” cũng ngao ngán. Lúc đó ai sẽ là trọng tài ?


Cuối cùng người viết cạn nghĩ câu chuyện trọng tài cũng từ cái máu “bóng đá” như phân tích bên trên mà ra, khi bực bội tức tối thì người ta thường đem hết nguyên nhân gây ra việc đó “đổ” cho một lý do nào đó. Để có thể giải quyết triệt để vấn đề này thì phải làm sao để mọi người đều hài lòng, vui vẻ, hạnh phúc sau một trận đấu, lúc đó họ chẳng còn bực tức nữa thì nhắc đến những chuyện khác làm gì mà chỉ toàn nói về chuyện vui. Ayda, nếu được tôi sẵn sàng phát hết cho mỗi đội một cái Cúp Vô địch với điều kiện là đội nào cũng chấp nhận vui vẻ !!!


Thập kỷ 90 với những con người tài hoa và lối chơi đẹp nên CSG là tên tuổi "hot" nhất của người hâm mộ mặc dù họ không đoạt được chức vô địch nào





Với những pha vào bóng kiểu này của các cầu thủ SLNT (áo vàng, nay là SLNA)



mà họ vẫn có được lực lượng CĐV hùng hậu gần như ...nhất Việt Nam. Bóng đá có những lý lẽ rất khó giải thích theo logic



Được bao nhiêu trọng tài như Collina trên thế giới này?


Mời đánh giá Chất lượng bài viết, cám ơn!

Có 0 đánh giá cho thảo luận, bài viết này

Ý KIẾN BÌNH LUẬN

Đăng bởi Hà Duy Trung

11:47 AM, 23/04/2014

không hẹn mà gặp, duyên là vậy, anh cũng mới có vài dòng cảm xúc, post lên xong thấy "trăn trở" của em, ...
Like mr Bắc, bài viết đầy sự chia sẻ, chuyên môn & sự tổng hợp tốt, ... cũng thông cảm cho các đội, anh mà vào sân là nhiều khi cũng "máu" lắm, 
 
... dù thế nào, thì anh em mình & các đôi trưởng năm tới cũng phải có "bài giải" cho câu chuyện của trọng tài, ... giảm thiểu ở mức thấp nhất, ít sai sót nhất, em ạ, 

Đăng bởi Trần Hồng Hải (1978)

12:53 PM, 23/04/2014

Likelikelike Bắc. Hay, xúc tích, thực tế!


Thông tin nhóm

Loại nhóm: Nhóm công khai

Thành viên: 1723  |  Sinh nhật: 16/12

Bài viết: 88  |  Bình luận: 836

Lượt xem: 356922

Thành viên Sáng lập

Ông Lê Minh Thảo (1973)

Phó Giám Đốc

Thành viên nổi bật


ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU