Lê Sỹ Trường

Giám Đốc

Công ty TNHH TM DV Tín Phong

Sinh nhật: 12/5

Nhóm tham gia:

Giới thiệu Doanh nghiệp

Cảm động những người chấp nhận 'sống ngược đời' để làm từ thiện

Tiin.vn - Họ là những con người hoàn toàn bình thường nhưng tấm lòng nhân ái đã khiến họ có những việc làm ngược đời không giống ai.

Niềm vui không mua được bằng tiền

Ki cóp cả đời được số tiền không nhỏ là 300 triệu đồng, theo lẽ thường, ai cũng sẽ sử dụng số tiền ấy để cải thiện cuộc sống của mình như xây nhà, sắm xe…nhưng ông Lê Tất Dũng (thôn Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại không làm thế. Ông dùng toàn bộ số tiền ấy để xây cầu cho người dân trong làng. Việc ông làm quả là chuyện ngược đời ở một miền quê còn nhiều khốn khó, khi cái ăn vẫn còn là phải tính từng ngày.


Chỉ sau một đêm suy nghĩ, ông Dũng đã quyết định cho ra đời một cây cầu phao dài gần 80m, rộng 2m, lát ván gỗ, được nâng bởi 150 thùng phuy và chịu trọng tải 750kg. Không chỉ tốn của, ông Dũng còn tốn công khi tự tay mình hoàn thiện cây cầu.


Ông xây cây cầu phao trong 70 ngày và theo đánh giá ưu ái của bà con là y như cầu sông Hàn ở Đà Nẵng. Người dân Phú Lộc bây giờ đi lại thuận tiện hơn, trẻ con không còn phải cha mẹ đưa đến trường, người nông dân không phải dậy sớm gọi đò, xe cấp cứu không còn phải chờ đò mới qua được sông.


Người dân Phú Lộc ai cũng thương và biết ơn "ông lão ngược đời". Tài sản của ông giờ chỉ vẻn vẹn còn căn chòi lợp tôn dột nát, chiếc ti vi nội địa và bộ đồ nghề sửa xe máy. Người đàn ông đã bước sang tuổi ngũ tuần, gương mặt in dấu thời gian và hằn sâu những lo toan nhưng vẫn nghĩ đơn giản “Cứ thế mà sống. Miễn sao mọi người vui vẻ là được rồi”. Và niềm vui với ông không phải là căn nhà tươm tất mà là nhìn người dân tấp nập lên xuống đông vui, nhìn những cái bắt tay thắm tình và những ánh mắt tri ân.


Những kẻ ngược đời


Ông Lê Tất Dũng đứng trên cây cầu phao của mình vừa được khánh thành.


Lại chuyện một ông lão khác, không có tiền xây cầu như ông Dũng nhưng lại “dũng cảm” hiến 4.000 m2 đất để xây trường học cho những đứa trẻ nghèo. Trong thời buổi anh chị em ruột thịt còn tranh giành nhau từng mét đất, hàng xóm cãi nhau nảy lửa cũng chỉ vì vài mét vuông đường cái, lối đi thì việc làm của ông Bùi Văn Sòn (thôn Mường Bi, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) được coi là "quá khác thường".

Chẳng thế mà khi quyết định hiến đất xây trường, ông đã bị những người thân trong gia đình phản đối. Thế nhưng ông gọi hiến đất là "ước mơ" và quyết tâm đưa giấc mơ ấy trở thành hiện thực. Ông vận động gia đình và chính quyền địa phương cùng chung tay chung sức mang cái chữ về với bản làng, về với những đứa trẻ nghèo “khát chữ”.


Ước mơ của ông Sòn đã thành sự thật khi ngôi trường tiểu học B Ngọc Mỹ được hoàn thiện khang trang, sạch đẹp. Những đứa trẻ vùng cao không còn phải vượt hàng chục cây số đường đồi núi đến trường. Lũ trẻ được học cái chữ ngay trên mảnh đất quê hương, được đến gần hơn với ước mơ thoát nghèo và vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.


Có lẽ nhìn thấy những ánh mắt rạng rỡ của trẻ nhỏ được đến trường là niềm vui lớn nhất của ông Sòn. Đổi 4.000 mét vuông đất lấy niềm vui như vậy đối với nhiều người là chẳng đáng nhưng với ông Sòn thì nó đáng quá. Bởi với ông, cái chữ là cần thiết để cuộc sống của người dân quê ông được cải thiện hơn, bớt khổ hơn!.


Những kẻ ngược đời


Ông Bùi Văn Sòn bên ngôi trường tiểu học xóm Cóc được xây dựng từ mảnh đất của ông


Ai cũng sợ thì ai làm!

Không hiến đất, hiến tiền để giúp đỡ cộng đồng như ông Dũng và ông Sòn nhưng bà Phạm Thị Cường (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng được cho là trái khoáy khi ngày ngày đạp xe đi nhặt xác các thai nhi về chôn cất.


Hài nhi mang về được bà khâm liệm sạch sẽ rồi cho vào tiểu quách (là những hộp nhựa hay bát hương) trước khi đem chôn cẩn thận. Bà không sợ điều tiếng, không sợ bất cứ điều gì bởi bà tâm niệm, làm được điều gì tốt cho đời thì bà còn làm và sẽ làm đến hơi thở cuối cùng. Với tâm niệm ấy, đến nay, bà Cường đã chôn cất được 4.000 xác thai nhi.


Ban đầu, người dân trong huyện ai cũng cho việc làm của bà Cường là kỳ quái, gàn dở. Nhưng bà cứ “gàn dở” như thế nhiều năm liền, kể cả khi sức khỏe ngày càng yếu đi. Dần dần, sự “gàn dở” của bà Cường không chỉ giúp các sinh linh nhỏ bé được siêu thoát mà còn giúp người dân nhận ra ý nghĩa nhân đạo trong việc làm này. Họ giúp bà thêm bằng cách cứ thấy xác thai nhi ở đâu là về báo để bà đến nhặt chứ cũng không ai dám làm như bà.


Những kẻ ngược đời


Hài nhi mang về được bà khâm liệm sạch sẽ rồi cho vào tiểu quách (là những hộp nhựa hay bát hương) trước khi đem chôn cẩn thận. Ảnh: Văn Định.


Đến thôn 3, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hỏi người dân ở đây ai cũng biết anh Trần Văn Chiến, người đã bỏ ngoài tai những lời dị nghị, điều tiếng, nhận nuôi dưỡng và chăm sóc tại nhà hơn chục người nhiễm HIV giai đoạn cuối.


Khi mới nghe tin anh Chiến xây thêm nhà đón người có H về chăm sóc, người tử tế thì im lặng quan sát, kẻ ác mồm bảo anh bị hâm. Rồi xì xào bàn tán hết người này đến người kia lên Uỷ ban kêu ca chuyện anh lôi người Si da về làm ảnh hưởng đến bà con lối xóm. Nhà anh ngày càng vắng khách tới lui, họ sợ đến mức có việc gì chỉ đứng ở ngoài đường kêu chứ không ai dám bước chân vô sân cả.


Bỏ qua tất cả, anh đón các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà. Anh cho biết “Hầu hết những người tôi đón về nhà đều có hoàn cảnh éo le người thì nghiện lâu quá phá của gia đình không biết bao nhiêu tiền của nay bệnh nặng gia đình chán ghét bỏ mặc. Người thì vì mặc cảm mà không quay về. Nhìn những hoàn cảnh như vậy tôi rất thương chỉ mong mang lại chút hơi ấm, tình cảm gia đình cho phần đời ngắn ngủi còn lại của họ”.


“Tiếng lành đồn xa” họ truyền tai nhau đến với anh, tính cho tới nay anh Chiến đã nhận nuôi và chăm sóc tại nhà cho 10 người nhiễm HIV và cháu bé 4 tuổi bố mẹ em cũng chết vì AIDS.


Những kẻ ngược đời


Anh Trần Văn Chiến đang xem sách chăm sóc bệnh nhân H.


Giống như bà Cường, anh Chiến, chị Tạ Kim Yến (Hàm Long, Hà Nội) cũng không sợ bệnh tật mà đều đặn tháng một lần chị đến trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) cắt tóc cho những người bệnh ở đây.


Bệnh phong tuy là bệnh có thể chữa khỏi và ít lây lan nhưng nhiều người vẫn sợ và tránh. Thế nhưng chị Yến lại làm ngược lại, chị đến với các bệnh nhân ở trại phong Quả Cảm để giúp họ cắt tóc và trò chuyện với họ. Việc làm tuy đơn giản nhưng lại khiến các bệnh nhân ở đây thực sự cảm động vì họ không những không bị xa lánh mà còn được chăm sóc và chia sẻ.


Không chỉ cắt tóc, chị Yến còn thường xuyên tặng quà và tiền cho các bệnh nhân ở trại phong Quả Cảm. Số tiền không nhiều nhưng cũng góp phần cải thiện đời sống cho những bệnh nhân phong nơi đây.


Những kẻ ngược đời


Tạm kết

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Câu hát trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không bao giờ cũ. Cuộc sống lúc nào cũng cần những tấm lòng như ông Sòn, ông Dũng hay bà Cường, chị Yến, anh Chiến để cuộc sống này giàu chữ tình và tươi đẹp hơn.

Xem chi tiết chủ đề này trong diễn đàn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÁC CHỦ ĐỀ ĐÃ ĐĂNG

Diễn đàn doanh nhân

“Sân chơi” trực tuyến dành cho các Doanh nhân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, thông tin nhiều chiều giữa các Chuyên Gia & các Lãnh đạo Doanh nghiệp. Diễn đàn không những hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị Doanh nghiệp cho Cấp quản lý mà còn tăng cường nhận thức về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ trong công việc điều hành. Đây còn là “kênh” thông tin để truy cập tìm kiếm và nhân rộng cơ hội cộng tác với các đối tác tin cậy của Doanh nhân.

Các diễn đàn/câu lạc bộ khác


ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU